Hilton Duong

Legal specialist

Finance

Corporate Law

Commercial & Contract Law

Labor & Employment

Hilton Duong

Legal specialist

Finance

Corporate Law

Commercial & Contract Law

Labor & Employment

Blog Post

ROCCIPI: Làm thế nào để đánh giá sự phù hợp của một quy định pháp luật?

August 21, 2021 Pháp luật
ROCCIPI: Làm thế nào để đánh giá sự phù hợp của một quy định pháp luật?

Trong lịch sử lập pháp trên thế giới, hầu hết quy định pháp luật ra đời để điều chỉnh một vấn đề nào đó đang diễn ra trong xã hội và kèm theo một số giả định khác có thể xảy ra xoay quanh vấn đề đó.

Xã hội hiện đại ngày nay đang vận động rất năng động và linh hoạt. Vì vậy, các vấn đề xã hội mới liên tục phát sinh buộc các nhà lập pháp phải không ngừng nghiên cứu để kịp thời ban hành các quy định điều chỉnh. Mà đôi khi, một vài hiện tượng xã hội cũng khiến cho các nhà lập pháp phải lúng túng. Ví dụ như sự ra đời của tiền mã hoá (cryptocurrency) là một trong số những hiện tượng xã hội làm “đau đầu” các nhà lập pháp. Hoặc để đối phó với đại dịch Covid-19 các lãnh đạo phải nhanh chóng đưa ra các quy định, việc đánh giá tác động của các quy định đó đến kinh tế, xã hội như thế nào là rất quan trọng.

Trước những vấn đề xã hội mới, để đánh giá một quy định hay một đạo luật được soạn thảo có cần thiết và phù hợp hay không là câu hỏi quan trọng. Điều này cũng tương tự khi các tổ chức muốn ban hành một quy định để điều chỉnh một vấn đề nội bộ của họ. Để giải quyết vấn đề này, phương pháp phân tích ROCCIPI thường được lựa chọn.

Bộ tiêu chí ROCCIPI lần đầu được Seidman và cộng sự đề cập vào năm 2000, nhằm xác định nguyên nhân và các vấn đề liên quan đến chính sách, giúp các nhà lập pháp đưa ra những lựa chọn phù hợp. ROCCIPI bao gồm 7 tiêu chí để đánh giá một vấn đề cụ thể nào đó:

  • Rules (Quy tắc): Tiêu chí này đánh giá liệu hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề đang được xem xét đã đầy đủ hay chưa, có thể áp dụng tốt trong thực tiễn hay không? Nếu chưa thì những vấn đề gì đang còn tồn tại?
  • Opportunity (Cơ hội): Tiêu chí này đánh giá liệu cái gì đang tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể thực hiện hành vi đang được xem xét.
  • Capacity (Năng lực): Tiêu chí này đánh giá liệu khả năng nhận diện, phát hiện các hành vi đang được xem xét có tốt hay chưa? Thông thường, tiêu chí này đang nói về năng lực thực thi pháp luật của cơ quan công quyền. Đồng thời cũng đánh giá xem liệu chi phí bỏ ra để phát hiện và xử lý có tương xứng với hậu quả xã hội của hành vi đang được xem xét hay không?
  • Communication (Truyền thông): Tiêu chí này đánh giá liệu thông tin về vấn đề đang được xem xét có được phổ biến rộng rãi hay không? Tiêu chí này không quan trọng là mọi người có quan điểm như thế nào đối với vấn đề đang được xem xét. Điều quan trọng là hầu hết mọi người đã tiếp cận được thông tin về vấn đề này hay chưa?
  • Interest (Lợi ích): Tiêu chí này đánh giá liệu những lợi ích gì đã tạo động lực, thúc đẩy hành vi của chủ thể để thực hiện vấn đề đang được xem xét. Và đánh giá liệu có sự chênh lệch giữa lợi ích thu được có lớn hơn nhiều so với rủi ro mà chủ thể phải gánh chịu hay không?
  • Process (Quá trình): Tiêu chí này đánh giá liệu quy trình và thủ tục để chủ thể chấp hành một quy định nào đó có phức tạp, tốn kém hơn so với việc chủ thể bỏ qua hoặc không chấp hành quy định hay không?
  • Ideology (Ý thức hệ): Tiêu chí này đánh giá liệu ảnh hưởng của các quan niệm truyền thống hay các quan điểm đã được xã hội thừa nhận lâu dài về vấn đề đang được xem xét như thế nào?

Tuỳ vào đối tượng xem xét được đặt trong một vấn đề cụ thể như thế nào mà các tiêu chí trong ROCCIPI sẽ được giải thích một cách phù hợp hơn. Bởi vì đối tượng của ROCCIPI tương đối rộng, nó phân tích hành vi của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng một chính sách hay một quy định cụ thể, bao gồm tất cả các đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách hay quy định đó.

ROCCIPI có thể được sử dụng như một mô hình phân tích nhiều cấp. Cứ mỗi hành vi của chủ thể chịu sự điều chỉnh của chính sách sẽ được áp dụng bộ tiêu chí ROCCIPI một lần và các hành vi khác phát sinh hoặc được dự liệu sẽ phát sinh sau đó sẽ tiếp tục được phân tích với tiêu chí ROCCIPI thêm một lần nữa. Như vậy, một mô hình ROCCIPI càng nhiều cấp sẽ cho chúng ta “bước tranh” càng chi tiết. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ các nhà lập pháp ban hành chính sách.

Nắm vững phương pháp này, những pháp chế hay luật sư nội bộ trong doanh nghiệp cũng có thể sử dụng để đánh giá xem liệu có nên hay không ban hành một nội quy trong doanh nghiệp và dự liệu được những tác động gì có thể xảy ra khi nội quy đó được ban hành.

DMCA.com Protection Status
Taggs:
Write a comment